Câu chuyện “lừa đảo trên mạng” dường như là chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi. Nhưng sẽ không bao giờ là thừa khi những chiêu lừa đảo của những kẻ siêu đạo chích này ngày càng tinh vi. Tôi năm nay đã gần 30 tuổi, ai cũng nghĩ rằng ở cái tuổi này tôi phải “gừng càng già càng cay”, không còn ngây thơ dễ tin vào những chiêu lừa đảo trên thế giới ảo. Ấy thế mà tôi vẫn sa chân vào 3 bẫy lừa ngoạn mục mà tôi sẽ kể dưới đây để các bạn đề phòng.
1. Bẫy “Kiếm tiền trực tuyến”
Nắm bắt được tâm lý muốn kiếm tiền trực tuyến của một bộ phận cư dân mạng, không ít “công ty ma” đã quảng bá về các hình thức kiếm tiền với tiêu chí “nhẹ nhàng, nhanh gọn” kèm theo mức thù lao cực kỳ hấp dẫn. Nhiều người sau khi bị lôi cuốn bởi những mẩu quảng cáo hấp dẫn đã không ngại tiêu tốn khá nhiều công sức và thời gian mà vẫn hoàn toàn tay trắng.
Nghỉ việc trước khi sinh con vì sức khỏe yếu. Sau khi sinh, tôi lâm vào cảnh thất nghiệp, muốn đi làm nhưng con còn nhỏ quá, tôi điên cuồng lên mạng tìm kiếm những công việc có thể làm tại nhà để kiếm thêm tiền mua bỉm, mua sữa cho con.
Mới chỉ đăng tin tìm việc trên các diễn đàn, tôi đã ngay lập tức nhận được những lời mời “kiếm tiền trực tuyến” bằng những hình thức như chào mời click vào những mẩu quảng cáo (PTC - pay to click); upload dữ liệu (PTU - pay to upload) trên các diễn đàn trực tuyến; kiếm tiền bằng việc đọc email hay xem Youtube…
Tôi đọc được những thông tin đó như bắt được vàng. Không ngờ chỉ cần click vào những mẩu quảng cáo (PTC - pay to click), mất từ 5 - 10 phút mỗi ngày để nhấp chuột” là có ngay 5-7 triệu/tháng.
Với rất nhiều hy vọng vào hình thức kiếm tiền mới, nhàn nhã mà thu nhập ổn, tôi còn tích cực giới thiệu đến gia đình, bạn bè... vì các trang web này nói rằng nếu lượng người hưởng ứng càng đông thì mức tiền thưởng cũng từ đó tăng theo cấp số nhân. Nếu bạn hoạt động tích cực, tài khoản có thể được nâng lên ở hàng cao cấp, với mức lương hứa hẹn lên đến hàng ngàn đô-la mỗi năm.
Thế nhưng làm một thời gian khá lâu, tôi chẳng nhận được đồng tiền lương nào như họ nói. Đến lúc này tôi mới nhận ra, các công ty ma này chẳng buồn lấy thông tin của tôi (thì làm sao thanh toán tiền) và tôi cũng chẳng có gì nhiều từ công ty đó (làm sao để đòi nợ?). Không có một cơ sở, bằng chứng, hợp đồng nào chứng minh bạn sẽ nhận được tiền sau khi nhấp chuột hoặc bất cứ thủ tục nào để nhận tiền ngoài những lời hứa suông qua email vô thưởng vô phạt.
Những trang web lừa cư dân mạng để kiếm tiền như vậy thường được gọi chung bằng cái tên SCAM. Theo thống kê của một tờ báo mà tôi đọc được, trong số hàng nghìn trang dịch vụ click xem quảng cáo để kiếm tiền đang tồn tại trên Internet, có tới 98% là những trang giả mạo. Thủ thuật lừa tiền của những người lập ra website này cũng rất đơn giản: họ bán quảng cáo cho các công ty, đơn vị doanh nghiệp và đồng thời sử dụng những cú click quảng cáo của những người tham gia mô hình này để kiếm tiền cho bản thân họ mà thôi.
2. Lừa từ thiện để trục lợi
Giờ đây chuyện các đối tượng tung tin còn lợi dụng lòng trắc ẩn của dân mạng để trục lợi cho bản thân với những tin tức góp quỹ ủng hộ hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người bệnh sắp chết... đầy rẫy trên internet.
Hiện nay, trên Facebook có rất nhiều fan page hay cá nhân lấy cư cách là tổ chức, nhà hoạt động từ thiện để đưa ra những lời mời hợp tác, kêu gọi các Mạnh Thường Quân tài trợ cho những trường hợp khó khăn cần giúp đỡ. Trong số này, rất nhiều người có tấm lòng hảo tâm thực sự, song cũng không ít kẻ núp bóng từ thiện để làm điều khuất tất.
Là một người mẹ có con nhỏ, tôi thường rất dễ xúc động khi đọc những bài đăng về những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị cha mẹ bỏ rơi… Nên mặc dù điều kiện không khá giả gì, tôi vẫn nghĩ con mình còn may mắn hơn những đứa trẻ đó nên mình cần phải chia sẻ. Tôi thường ủng hộ các em nhỏ bằng cách chuyển khoản số tiền ít ỏi mình có đến số tài khoản mà người ta đăng lên sau những status về thân phận các em và không mảy may nghi ngờ.
Có một lần, trong Hội Nuôi con bằng sữa mẹ có một bạn đăng lên những bức ảnh một em bé ở TP. Hồ Chí Minh mới mấy tháng tuổi đã bị bố đẻ đánh đập, trên người chi chit vết bầm tím. Em bé bị tổn thương nặng nội tạng, ông bố ác thú bỏ trốn, chỉ còn một mình người mẹ không làm cách nào đủ tiền chữa chạy cho con. Tôi nhìn hình ảnh chân tay bé bầm tím mà không khỏi xót xa. Tôi chuyển khoản 500,000 đồng vào số tài khoản người đăng và nhắn tin vào địa chỉ facebook của họ. Không chỉ tôi mà rất nhiều bà mẹ khác cũng làm thế, số tiền dễ lên tới chục triệu đồng.
Mấy ngày sau, có một bà mẹ bức xúc viết lên trang của Hội nuôi con bằng sữa mẹ rằng người đăng những thông tin kia là một kẻ lừa đảo. Họ lấy thông tin đó từ một hội từ thiện nhưng sửa số tài khoản để chúng tôi chuyển tiền vào tài khoản của họ, bà mẹ này còn đưa thông tin gốc lên cho chúng tôi kiểm tra. Vào địa chỉ facebook kia thì đó là một nick mới được lập ra và không có bất cứ thông tin gì cả. Mọi người rất bức xúc nhưng cuối cùng cũng không làm gì được.
Vụ lừa đảo trên cũng giống như rất nhiều những vụ lừa đảo mà thủ phạm lợi dụng những thân phận không may mắn để lợi dụng là những người tốt, có lòng trắc ẩn để vụ lợi cho bản thân mình. Còn những nạn nhân như tôi, lỡ dại mất tiền mà chẳng biết kêu ai khi thủ phạm đã cao cạy xa bay.
3. Nạp thẻ cào điện thoại
Các quảng cáo bày mẹo nạp thẻ cào điện thoại được mệnh giá tăng gấp 10, gấp 100 lần xuất hiện nhan nhản trên facebook và thực tế là đã có không ít người “thử” và trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa gạt này.
Lần đầu đọc thấy thông tin “Viettel EVN (?) trân trọng thông báo – Nhân dịp 10 năm thành lập Facebook, Facebook cùng với Viettel sẽ tặng cho mỗi người đang chơi Facebook có thể X10 tài khoản của mình…” kèm theo đó là loạt hướng dẫn mua thẻ điện thoại và nạp tiền theo cú pháp “*103*849 768 933 90*mã thẻ#”, tôi mừng run. Không ngờ có những cách nạp tiền điện thoại lại được gấp nhiều lần như vậy, lại là thông báo của Viettel. Tôi vội vàng đi mua ngay cái thẻ 500k về nạp kẻo hết cơ hội, không ngờ làm theo hướng dẫn đó, nạp xong thì trong tài khoản của tôi không hề có thêm đồng tiền nào.
Lúc này tôi mới gọi điện đến Tổng đài Viettel thì được giải thích rằng, cú pháp được nhắc đến ở trên thực chất là dịch vụ để khách hàng của Viettel nạp giúp hoặc gửi tặng tiền vào tài khoản của người khác, trong đó dãy số “849 768 933 90” chính là số điện thoại của người được nhận tiền, cũng chính là thủ phạm của hình thức lừa đảo kể trên. Nếu khách hàng nào thao tác như hướng dẫn sẽ đồng nghĩa với việc đã vô tình nạp tiền vào số điện thoại của thủ phạm.
Sau này, tôi bắt gặp những tin tức lừa đảo nạp thẻ điện thoại như vậy nhan nhản trên mạng. Ngoài lí do kỉ niệm thành lập Facebook, nhiều lí do khác được đưa ra như kỉ niệm giải phóng thủ đô (10/10), hay thậm chí lấy lí do hacker tấn công vào Viettel và tìm ra cách thức đặc biệt để… hacker tài khoản và tăng gấp 10 lần giá trị thẻ cào… Các đối tượng lừa đảo này thường lợi dụng những trang Facebook có lượng người theo dõi lớn, sau đó phát tán những bình luận với nội dung mời gọi hấp dẫn. Cụ thể, Thậm chí, để tăng thêm tính hấp dẫn, “lời mời gọi” này khẳng định sau nạp tiền theo cú pháp kể trên, thuê bao sẽ nhận được 1000 GB dung lượng truy cập Internet, 500 tin nhắn nội mạng và 1000 phút gọi, tất cả đều miễn phí. “Khuyến mãi” này cũng gợi ý người dùng nên nạp thẻ có giá trị càng lớn càng tốt.
Thông tin về “chương trình khuyến mãi” này được đăng tải lên những trang Facebook có lượng người theo dõi lớn dưới dạng các bình luận hay trên các diễn đàn có lượng người tham gia đông đảo. Thậm chí nhiều trang Facebook “trá hình”, mạo danh các ngôi sao, nhân vật nổi tiếng… được lập ra với mục đích lừa đảo cũng thường xuyên đăng tải những nội dung như trên.
Với các chiêu lừa tiền như vậy, rất nhiều người nhẹ dạ cả tin đã sập bẫy. Mặc dù đã có nhiều lời cảnh tình, như bài viết này là ví dụ, nhưng con số nạn nhân vẫn không ngừng tăng lên. Do vậy, rất mong các cơ quan chức năng quan tâm và ngăn chặn những kẻ lừa đảo đáng ghét này để làm trong sạch cho cộng đồng thế giới mạng Việt Nam.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét