Tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực báo chí do UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng QH tổ chức ở TP.HCM ngày 28/7, nguyên Thứ trường Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho biết, năm 2013 cả nước bố nhiệm 169 lãnh đạo cơ quan báo chí. Trong số này có 43 người được điều từ ngành khác về, không có nghiệp vụ báo chí, không liên quan đến báo chí. Trong khi luật quy định người làm báo phải kinh qua 3 năm công tác trong môi trường mới được cấp thẻ. Nhiều địa phương còn cho rằng “thường vụ đã thông qua” xem như là xong.
|
Tổng biên tập là nhà báo để làm gì? |
Phát ngôn của ông Doãn nhanh chóng thu hút sự quan tâm của những người làm truyền thông tại Việt Nam. Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng đây là một trong những bất cập trong công tác quản lý báo chí và yêu cầu nhanh chóng sửa đổi luật báo chí.
Quả thật Luật Báo chí ở nước ta hiện nay đã trở thành chiếc áo quá chật hẹp, không phù hợp với hoạt động báo chí hiện hành. Vì vậy, việc sửa luật là rất cần thiết và cần nhanh chóng. Đúng như đại biểu QH Dương Trung Quốc đặt vấn đề: “Luật Báo chí rất quan trọng, nhất là trong thời đại thông tin và nâng cao quyền con người, quyền tự do. Nhìn lại bức tranh toàn cảnh báo chí của ta, có nhiều vấn đề cần định hướng lại và sửa đổi. Luật Báo chí và nhiều văn bản quy phạm pháp luật của ta đang là bước lùi so với thế giới, nhiều vấn nạn như “xin phép’, “quy hoạch” đang là sự bất lực về quản lý…". Thế nhưng vị trí Tổng Biên tập một tờ báo có nhất thiết phải là một nhà báo hay không?
|
Ảnh minh họa |
Theo quan điểm của tôi, Tổng Biên tập không nhất thiết phải là một nhà báo. Dẫu vậy, họ phải là những cá nhân am hiểu công việc, công việc đó là làm một Tổng biên tập.
Tổng Biên tập một tờ báo, không đơn thuần là những người nghĩ ra đề tài rồi chỉ đạo cho phóng viên thực hiện. Phó Tổng Biên tập phụ trách nội dung hay Trưởng ban được trả lương để chịu trách nhiệm về việc này.
Tổng Biên tập cũng không cần phát hiện ra một tin nóng, rồi viết thành bài ngay lập tức, việc ấy đã có phóng viên lo. Vậy thì tại sao Tổng biên tập nhất thiết phải là một nhà báo?
Tổng Biên tập là một người lãnh đạo tôi cao ở một tòa soạn, họ cần đáp ứng nhiều yêu cầu hơn là việc có viết được một bài báo xuất sắc hay không. Đó là người cần quản lý tốt, vạch đúng hướng để tờ báo phát triển.
Tổng Biên tập không cần là một nhà báo, họ chỉ cần biết truyền lửa cho phóng viên, biên tập viên… để có thể phát huy hết tài năng của đội ngũ nhân viên dưới quyền. Một người lãnh đạo giỏi không phải là người mang hết sức lực và trí tuệ của mình ra làm việc mà là người biết khai thác sức lực, trí tuệ của người khác.
Tổng Biên tập cũng cần phải là người có ý tưởng, có tầm nhìn xa. Một tầm nhìn xa sẽ giúp Tổng biên tập vạch trước những chiến lược hoạt động dài hạn, dự đoán trước những biến động có thể xảy ra trong tương lai để chuẩn bị cho tờ báo của mình, tìm cách thích nghi và đón đầu cơ hội....
Tổng biên tậo một tờ báo cũng chỉ cần tạo ra một tập thể gắn kết chứ không phải chỉ chăm chăm cho quyền lợi của mình, còn nhân viên thì “sống chết mặc bay”, chỉ cần suy tính công việc thận trọng, không để phóng viên lấy bài người thành bài của mình; không phải là người bất cứ cái gì cũng đổ vấy cho nhân viên mà phải làm bia che sóng cho tờ báo của mình nếu có chuyện gì đó không may xảy ra….
Tổng Biên tập chỉ cần vậy thôi, đã đủ tiêu chuẩn làm Tổng Biên tập rồi. Tất nhiên, theo lẽ thường, báo chí là cơ quan ngôn luận định hướng công chúng, đồng thời cũng là một đơn vị kinh doanh nên Tổng biên tập cũng phải là người có chuyên môn về nghề. Nếu đi lên từ phóng viên thì có nhiều thuận lợi hơn vì họ hiểu rõ về đặc thù của nghề mình, những khó khăn vướng mắc mà các nhà báo có thể mắc phải khi tác nghiệp.
Nhưng hai chữ “nhà báo” vốn không phải là danh xưng, đó là sự nhìn nhận.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét