Đương nhiên, nếu sếp chưa có vợ và nhân viên chưa có chồng thì hai bên hoàn toàn có quyền và cơ hội tìm hiểu nhau. Nhưng nếu một bên đã có “ý trung nhân” hay gia đình, đừng dại gì vướng vào những mối quan hệ như thế, bởi sau tất cả bạn sẽ mất nhiều hơn được. Nhất là với những cô gái, phải làm gì khi bị sếp nam “gạ tình”, dù sếp đã có gia đình, dù tình cảm của sếp chẳng qua chỉ là muốn lợi dụng lần nhau, một bên có tiền, một bên có tình?
1. Coi như không biết gì
Nếu bạn là một nhân viên xuất sắc, hoặc bạn xinh đẹp, được nhiều người yêu mến và ngưỡng mộ thì việc sếp là một trong những người đó cũng là điều dễ hiểu. Có thể chính năng lực, cách cư xử hay phong cách làm việc của bạn đã "thu hút” sếp. Vì vậy, mặc dù cảm nhận điều gì đó khác biệt nhưng nếu sếp chưa thể hiện gì quá đáng thì bạn cứ mặc nhiên coi như không biết gì, vì biết đâu chính bạn đang ngộ nhận đó là tình cảm khác thường nhưng thực chất đó chỉ là sự khâm phục hay ngưỡng mộ mà thôi. Đừng cố biến “gió thành mưa”, làm cho mọi việc trở nên phức tạp hơn. Bạn nên nhớ, được sếp quý tốt hơn bị sếp ghét nhiều. Hãy trân trọng tình cảm sếp dành cho bạn.
Nhưng nếu những hành động của sếp vượt quá giới hạn cho phép của bạn thì phải xem xét lại. Điều quan trọng là bạn phải luôn cố giữ được tình cảm đồng nghiệp, đừng chỉ vì được sếp quan tâm mà coi thường hay lảng tránh sếp.
2. Bình tĩnh và kiên quyết
Nếu đã xác định được tình cảm của sếp dành cho bạn không bình thường, trong khi bạn hoặc sếp đã có gia đình thì tốt nhất là nên bình tĩnh giải quyết, không nên làm ầm ĩ. Đương nhiên, bạn không thể để mọi việc "đến đâu thì đến” mà phải bày tỏ thái độ của mình trước sếp, không để sếp “nuôi” ảo vọng với bạn. Nếu sếp có những hành vi khiếm nhã thì bạn cần có hành động và thái độ kiên quyết để chứng tỏ bạn không phải là người dễ dãi. Bạn nên dùng thái độ mềm mỏng nhưng dứt khoát để “đối đầu” với sếp...
3. Điều chỉnh hành vi của bản thân
Có bao giờ bạn nghĩ chính những hành động, lời nói của mình đôi khi là nguyên nhân khiến sếp lầm tưởng bạn đang “bật đèn xanh” cho sếp để tiến tới một mối quan hệ ngoài luồng nơi công sở hay không? Vậy thì chính bạn cũng phải tự điều chỉnh lại hành vi cũng như thái độ khi đối diện hay làm việc với sếp, tránh gây thêm những hiểu nhầm không đáng có. Trước mặt sếp, bạn nên tỏ thái độ lễ phép, không nên cười đùa, cợt nhả hay có những hành vi khêu gợi. Luôn luôn tạo khoảng cách giữa bạn và sếp để sếp thấy rằng bạn không muốn thân thiết với sếp. Khi nói chuyện với sếp, bạn nên tránh các đề tài ngoài chuyện công việc, không nên nói đến sở thích, ưu điểm hay nhược điểm của nhau bởi vì những chủ đề đó dễ làm sếp hiểu nhầm rằng bạn đang cố gắng tìm hiểu nhiều hơn về sếp.
Cũng nên tránh rơi vào hoàn cảnh chỉ có bạn và sếp ở trong một phòng, nếu bất đắc dĩ rơi vào hoàn cảnh đó thì bạn cần tỏ ra “quang minh chính đại” khi làm bất cứ việc gì, không úp mở gây hiểu nhầm cho sếp.
4. Tìm cơ hội để bày tỏ thái độ của mình
Trong nhiều trường hợp, nếu sếp hành động quá đáng kéo dài và bạn không thể phản kháng được thì đành nghỉ việc. Nhưng nếu công ty này là môi trường làm việc mà bạn yêu thích, cũng như những đãi ngộ hợp lý, thì khoan hãy nghỉ việc vì xin được một công việc tốt thực không dễ dàng gì. Bạn nên bày tỏ quan điểm của mình trước sếp, đương nhiên là cần dùng những lời lẽ hoà nhã và lịch sự. Ví dụ khi tan ca sếp có nhã ý đưa bạn về, bạn nên nói: “Cám ơn anh/ông, chồng tôi đã hẹn đến đón tôi rồi. Tôi không muốn để chồng tôi đi về một mình”. Nếu sếp quan tâm hỏi về gia đình bạn thì bạn hoàn toàn có thể nói với sếp về chồng con mình và nhấn mạnh họ quan trọng đối với bạn biết chừng nào. Hoặc nếu sếp mời bạn đi ăn cơm, bạn có thể nói rằng: “Tôi nghĩ nếu sếp mời thêm vài nhân viên nữa đi ăn cùng thì thoải mái hơn, dẫu sao cũng chỉ là thêm bát thêm đũa nhưng lại vui vẻ hơn rất nhiều”. Tóm lại, khi sếp có tình ý với bạn hay có những đề nghị gì khác ngoài công việc, bạn nên dùng thái độ mềm mỏng nhưng dứt khoát để “đối đầu” với sếp.
5. Tạo thế chủ động
Tất cả những phương án trên đều dành cho tình huống bạn ở thế bị động. Với những bạn nữ thông minh và khéo léo, có khả năng ứng biến cao thì hãy chủ động nắm bắt tình thế, đó là cách khôn ngoan thoát khỏi “bẫy tình” của sếp chốn công sở. Có câu chuyện như sau: Ông sếp nọ có tình ý với cô thư ký của mình. Nhân ngày 8-3, ông ta tặng cô thư ký một món quà rất có giá trị kèm theo một bức thư bày tỏ tình cảm. Rồi đến ngày 1-6, cô thư ký đó cùng chồng đến nhà sếp. Khi mở cửa đón khách, ông sếp không hiểu cô này có âm mưu gì. Nhưng cô thư ký cư xử rất hoà nhã, trình bày nguyên nhân đến nhà sếp chơi là để tặng quà cho con gái sếp nhân dịp tết thiếu nhi. Cô còn nói thêm, ở cơ quan sếp hay quan tâm đến mọi người và thường ca ngợi vợ cùng con gái trước mặt nhân viên, nay được gặp mặt thì quả là vinh dự cho cô. Đồng thời, cô tặng lại vợ sếp món quà mà trước đây sếp tặng (đương nhiên chỉ cô và sếp biết mà thôi) và không quên nói là nếu được làm bạn của vợ chồng sếp thì thật vinh dự. Từ đó, vợ sếp quý cô như chị em trong gia đình, vị sếp kia cũng không có thái độ đặc biệt nào khác với cô nữa. Ông tôn trọng và ngưỡng mộ cô hơn. Cũng từ đấy, tình cảm hai người dành cho nhau đơn thuần chỉ là tình đồng nghiệp và bạn bè. Bạn thấy đấy, từ thế bị động cô thư ký đã tạo ra thế chủ động nhờ trí thông minh và cách cư xử khéo léo.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét