“Sếp” là lãnh đạo của bạn. Trong công việc, bạn luôn phải tiếp xúc và trao đổi với sếp, có thể là trực tiếp hay gián tiếp. Nhưng đôi khi bạn sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn ảnh hưởng đến sự thăng tiến, tăng lương và tinh thần làm việc của bạn. Các
kỹ năng mềm để làm việc với sếp hiệu quả hơn, và tăng sự thân thiết trong mối quan hệ ấy, dưới đây là một số lời khuyên hữu ích bạn có thể tham khảo.
1. Luôn ghi nhớ những điểm mạnh của sếp
Để có thể trở thành “sếp” thì đương nhiên người đó không phải một kẻ bất tài. Có một số người luôn chê bai sếp của mình nhưng một lời khuyên chân thành là bạn hãy đánh giá sếp mình một cách khách quan nhất, nhìn thấy những điểm mạnh của họ. Việc ghi nhớ này sẽ giúp bạn rất nhiều trong công việc. Thêm nữa, mỗi khi sếp đưa ra một quyết định nào đó, hãy suy nghĩ tại sao sếp bạn lại như vậy và cách giải quyết để tránh vấp phải điều tương tự nếu bạn có cơ hội thành sếp.
2. Luôn tôn trọng sếp
Đối với những lãnh đạo bạn cho rằng kém hơn mình về trình độ và kinh nghiệm, bạn cũng không nên “vượt mặt” vì dẫu sao cũng là sếp của mình, khi có ý tưởng hay ý kiến gì muốn trình bày với ban lãnh đạo cao hơn, bạn nên trao đổi với sếp trước khi đưa lên.
Với những sếp là người đứng tuổi bạn nên cẩn trọng lời ăn tiếng nói, kể cả lời khen vì đôi khi lời khen trở thành nịnh bợ. Người lớn tuổi thường hay bảo thủ vì vậy bạn cần phải biết lắng nghe và tiếp nhận để tránh làm phật lòng sếp. Khi có một ý kiến gì muốn đề xuất bạn nên chuẩn bị đầy đủ lí do và hướng giải quyết trước khi trình bày.
3. Hiểu rõ sếp đánh giá bạn ở những tiêu chí cụ thể nào?
Bạn cần hiểu rõ sếp mong đợi điều gì ở bạn để có một kế hoạch thực hiện cụ thể bởi làm sao bạn có thể mong đợi một bản đánh giá công việc tốt khi bạn không biết cách thức đánh giá hay tiêu chí đánh giá ấy như thế nào? Nếu có một tiêu chuẩn để “chấm điểm” công việc, cả bạn và sếp sẽ làm việc dễ dàng hơn.
4. Cố gắng trở thành người được sếp tin tưởng
Điều đầu tiên để được sếp đánh giá cao là bạn nhất định không phải là một nhân viên chuyên gây rắc rối, hoặc thường xuyên để sếp phải kiểm tra và đôn đốc. Thay vào đó, hãy cố gắng trở thành một nhân viên sếp có thể tin tưởng bằng những việc đơn giản hàng ngày: đi làm đúng giờ, luôn hoàn thành công việc được giao, trang phục đúng quy định, luôn thân thiện gần gũi với mọi người…
Bên cạnh đó, bạn không nên lúc nào cũng hỏi sếp từ việc lớn đến việc nhỏ, vì sếp sẽ đánh giá bạn là người không có năng lực thực sự. Với mỗi công việc bạn phải tự lực suy nghĩ để tìm ra hướng giải quyết, chỉ hỏi sếp khi việc đó thật sự khó khăn mà bạn không chắc chắn là đúng. Ngoài ra những công việc gì mà sếp đã hướng dẫn một lần, bạn cần phải ghi nhớ cẩn thận để không hỏi lần thứ hai.
5. Chủ động và thành khẩn nhận lỗi
Tất nhiên trong công việc sẽ có lúc bạn mắc phải những sai lầm thiếu sót. Khi đó hãy thành khẩn nhận lỗi, đồng thời không thụ động mà nên đưa ra một vài cách giải quyết theo suy nghĩ của bạn.
Bạn nhất thiết không nên trốn tránh lỗi lầm. Nếu bạn trót to tiếng với khách hàng hay chậm tiến độ công việc ảnh hưởng đến cả nhóm thì bạn nên là người trình bày với sếp – chứ không phải từ một khách hàng, một đồng nghiệp nói cho sếp biết. Bạn hãy chia sẻ người bạn vừa nói chuyện là ai, tại sao người đó lại tức giận và điều sếp muốn nghe từ người đó là gì, đồng thời đưa ra hướng khắc phục hậu quả theo bạn là tốt nhất.
6. Ghi nhận sự đóng góp của sếp trong sự thành công của bạn
Nếu bạn giành được giải thưởng hay phần thưởng nào đó, đừng quên một sự ghi nhận từ sếp hay từ cấp cao hơn bằng một lời cảm ơn chân thành. Có thể sếp không thực sự có đóng góp lớn cho sự thành công của bạn nhưng một lời cảm ơn trước đông người chắc chắn sẽ làm sếp mát mặt và chú ý tới bạn hơn sau đó.
7. Không tỏ ra tiêu cực khi bị sếp mắng
Vì hầu hết chúng ta đều có những nhiệm vụ riêng rẽ, ai làm việc của người đó nên khi bạn nhận được một lời chỉ trích từ một ai đó trong công ty, bạn nhìn nhận nó như một lời chỉ trích mang tính cá nhân. Phản ứng theo cách đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển hay sự tiến bộ của bạn trong công việc.
Một người sếp thông minh sẽ dễ dàng nhận ra thành công của họ gắn liền với sự thành công của nhân viên. Vì vậy, họ luôn phải quan tâm đến những việc bạn làm. Hơn nữa, những lời chỉ trích đến từ sếp có thể là một dấu hiệu sếp đang đặt kì vọng cao ở bạn.
8. Chú ý khi sửa sai cho sếp
Sửa sai cho sếp có thể là một hành động mạo hiểm. Bạn có thể mang tiếng là kẻ thích dạy khôn người khác và điều đó tác động không tốt tới sự nghiệp của bạn. Vì vậy, hãy cẩn thận khi sửa sai cho sếp, đặc biệt giữa chốn đông người.
9. Thân tình với Sếp
Trong công việc mối quan hệ giữa bạn và sếp thực sự có khoảng cách, bạn cần tôn trọng sếp, thể hiện phong cách làm việc chuyên nghiệp như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên bản thân sếp cũng muốn hòa đồng cùng với nhân viên, vì vậy khi nói chuyện với sếp ngoài công sở như nói về đội bóng yêu thích, những vấn đề kinh tế xã hội bạn hãy thể hiện chân thành như một người bạn. Sếp sẽ nhận ra bạn là một người đáng tin cậy trong công việc lẫn trong cuộc sống.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét