Những người khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng dường như bao giờ cũng dễ dàng hơn những người đã từng vấp ngã và tự mình đứng dậy. Với anh Phương – một người bỏ hàng trăm triệu ra lập công ty xây dựng nhưng thất bại và gánh khoản nợ 300 triệu đồng, anh đã không nản chí mà quyết tâm gầy dựng lại sự nghiệp bằng một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với chỉ 15 triệu đồng tiền vốn… Cùng nghe câu chuyện khởi nghiệp của anh Phương để thấy rằng không điều gì là không thể, chỉ cần bạn có giấc mơ và quyết tâm thực hiện giấc mơ ấy nhé.
" Năm 23 tuổi, tôi ra trường với bằng kỹ sư xây dựng. Tôi tìm được việc tại một công ty xây dựng nhỏ với vị trí giám sát công trình. Chỉ hai năm sau, tôi đã trở thành giám đốc công ty vì không chỉ giám sát thi công các công trình, tôi còn liên tục mang về nhiều hợp đồng. Tôi được cấp xe đi giao dịch, được thưởng lớn sau mỗi dự án.
Tuy nhiên, khi công việc đang tiến triển rất thuận lợi thì tôi bị sa thải chỉ bởi lý do đơn giản: tôi không phải là con ông cháu cha, và ông chủ (người bỏ vốn lập công ty) bỏ cơ quan Nhà nước về trực tiếp quản lý công ty. Năm đó tôi 27 tuổi.
Tuy bị sa thải, nhưng với kinh nghiệm và mối quan hệ nhiều năm trong nghề, cộng với toàn bộ số vốn dành dụm được là khoảng nửa tỉ đồng, tôi quyết định mở một công ty riêng cũng trong lĩnh vực xây dựng và tiếp tục làm giám đốc. Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản như tôi vẫn nghĩ, công ty chỉ tồn tại được trong 9 tháng và vỡ nợ, tôi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất khoảng 300 triệu đồng. Đó là số tiền tôi vay mượn để trả lương cho2 kỹ sư đứng công trình, một kế toán, tiền công của đội thợ hồ, tiền vật liệu..., trong 9 tháng đó.
Tôi nhanh chóng xin được việc mới và đi làm. Bên cạnh đó, một năm sau, tôi tiếp tục vay mượn và hợp tác với một người chị mở nhà hàng hải sản tươi sống ở vị trí trung tâm thành phố. Do công việc giám sát công trình linh hoạt về thời gian nên lúc rảnh rỗi tôi trực ở quán, đi từng bàn giao lưu với khách. Do chịu khó lựa từng con tôm, con cá từ lúc 5h sáng chở về quán, nên lợi nhuận mỗi tháng của quán cũng đạt 30 – 50 triệu đồng. Thế nhưng, cả tôi và chị họ đều không có kinh nghiệm gì trong việc quản lý tài chính của quán, để xảy ra tình trạng đầu bếp ăn bớt tiền đi chợ, nhân viên thụt két. Nên cuối cùng tôi vẫn phải nhượng lại quán cho người khác. Tuy nhiên, đến thời điểm này tôi đã trả được một nửa số nợ vay thời mở công ty riêng.
Đến năm 30 tuổi, tôi vẫn là một giám sát công trình xây dựng với mức lương kha khá, có thể đủ trang trải cuộc sống và dành dụm trả nợ. Thế nhưng niềm đam mê kinh doanh với tôi không tắt đi, tôi xin nghỉ việc và quyết định khởi nghiệp lại với số vốn 15 triệu đồng mặc dù bố mẹ và vợ tôi ra sức ngăn cản. Cuối cùng tôi cũng thuyết phục được họ nhưng tôi biết đây là cơ hội cuối cùng, nếu thất bại tôi sẽ chẳng bao giờ dám kinh doanh gì nữa, vì tôi còn gia đình, vợ con.
Thời điểm ấy, nhận thấy các công ty dịch vụ bảo vệ ở Sài Gòn mới ít, nhưng đây lại là thị trường tiềm năng, là loại hình dịch vụ chắc chắn sẽ phát triển mạnh trong vài năm tới. Tôi lấy trộm sổ đỏ của vợ mang đi vay tiền ngân hàng để bắt tay vào kinh doanh
Khảo sát mặt hàng trên tại thành phố đang sống, tôi thấy nhiều thanh niên ở độ tuổi 18 trở lên khỏe mạnh, nhưng không học hành đến nơi đến chốn nên thất nghiệp. Thậm chí nhiều người học đại học ra trường vấn thất nghiệp. Tôi quyết định tuyển chọn 10 nam nhân viên và đưa đi đào tạo bài bản. Lương khởi điểm ban đầu của họ là 3 triệu đồng, được ăn trưa miễn phí và các chế độ khác.
Sau đó tôi lập trang fanpage thăm dò nhu cầu khách hàng,rõ ràng dân thành phố có rất nhiều nhu cầu mà chúng tôi có thể đáp ứng như: bảo vệ chung cư, ngân hàng, bệnh viện, áp tải hàng, thám tử… Tiếp theo, tôi bắt đầu nghiên cứu việc đưa dịch vụ của mình đến khách hàng, không gì tốt hơn là qua kênh thương mại điện tử: facebook, các trang rao vặt, các forum, diễn đàn online... Tôi cũng đầu tư thuê một công ty chuyên thiết kế website và SEO để trang web của chúng tôi được tìm kiếm nhiều trên các công cụ tìm kiếm.
Cùng với việc trực tiếp đi tư vấn tại các tổ chức, doanh nghiệp… bằng catalogue, tôi bám sát việc đào tạo vệ sĩ để họ có thể chuyên nghiệp nhất. Sau một thời gian ngắn, tôi liên tục nhận được phản hồi tốt của khách. Các thông tin đó, tôi chia sẻ trên trang bán hàng và ngày càng có thêm nhiều hợp đồng, đơn hàng online. Thời gian đầu, trung bình một tháng công ty tôi có một đơn hàng, qua tháng thứ ba thì doanh số tăng gấp 3 lần và đến nay thì tương đối ổn định với lợi nhuận từ 30 đến 40 triệu mỗi tháng. Tôi tiếp tục tuyển thêm vệ sĩ, đào tạo họ và mở rộng phạm vi hoạt động của công ty."
Có lẽ nhiều người sẽ bĩu môi rằng con số trên không là gì so với doanh thu và lợi nhuận của các công ty lớn khác, nhưng quả thật nếu đặt mình vào địa vị anh Phương mới hiểu được hết ý nghĩa của nó, bởi bản thân anh đã có thể vượt qua mặc cảm thất bại và sự lo ngại về rủi ro khi quyết định đầu tư, kinh doanh vào một lĩnh vực mới mẻ.
Quá trình khởi nghiệp sau khi từ vị trí giám đốc và vỡ nợ của anh Phương đã để lại bài học với các bạn trẻ, rằng nếu ấp ủ làm giàu và thất bại thì hãy mạnh dạn làm lại, bởi khát khao làm giàu là chính đáng và nếu bạn mạnh dạn làm thì bạn sẽ thành công, chỉ là sớm hay muộn bởi "không có thất bại, tất cả chỉ là thử thách".
Ngoài ra, với các bạn trẻ khi mới làm ông chủ, hãy tự tay làm mọi việc. Có tự làm thì bạn mới có thể lắng nghe khách hàng và hiểu rõ nhất sản phẩm, dịch vụ, hoạt động kinh doanh của mình và đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách. Hơn nữa, các bạn cần phải hiểu, ý nghĩa thật sự của sự thành công và giàu có không phải ở túi tiền hoặc tài sản bạn đang có mà là niềm vui sống, sự đam mê cuộc sống của bạn mỗi ngày.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét