Có ai gặp phải tình huống ngược đời như tôi không, chỉ vì không biết uống rượu mà tôi bị nhà tuyển dụng từ chối thẳng thừng, thậm chí bị quát là “bất lịch sự” và suýt bị cho nghỉ việc.
Trước đến nay đọc trên báo chí tôi mới chỉ thấy người ta đề cập đến nỗi khổ của những bà vợ, ông bố bà mẹ… có chồng, con nát rượu chứ chưa thấy ai đề cập đến nỗi khổ của những thằng con trai không biết uống rượu như tôi. Tôi sinh năm 1990, cao 1m80, nặng 75kg, hoàn toàn khỏe mạnh và không có vấn đề về giới tính. Chỉ có điều tôi không uống được rượu, hay nói cách khác là “dị ứng” với bia rượu. Cứ mỗi lần ngửi thấy mùi rượu là tôi cảm thấy khó chịu trong người, nếu lỡ không may uống một hớp thì cả tuần sau đó người tôi sẽ nổi mẩn đỏ và ngứa điên lên. Một thằng con trai không bia rượu lẽ ra phải “ghi điểm”, nhưng thú thuật chính điều này đã làm tôi đánh mất rất nhiều cơ hội, kể cả trong tình cảm và trong sự nghiệp. Về vấn đề tình cảm, 24 tuổi tôi vẫn chưa có bạn gái, và không biết tình cảnh FA này sẽ kéo dài đến bao giờ. Nhưng điều làm tôi đau đầu nhất chính là công việc không suôn sẻ.
Tôi học ngành Marketting của trường ĐH Kinh tế, đặc thù của ngành này là phải giao tiếp nhiều. Đến khi ra trường, apply hồ sơ xin việc vào những công ty lớn, nhà tuyển dụng rất ấn tượng với hồ sơ của tôi. Thế nhưng khi đi phỏng vấn tôi mới biết, hầu hết các công ty tuyển các vị trí như bán hàng, tiếp thị, PR có một yêu cầu bất thành văn là biết uống chút chút bia, rượu để có thể giao lưu với khách những lúc cần. Tất nhiên chi tiết này không đời nào họ công khai trên các thông tin tuyển dụng.
Công ty đầu tiên tôi đến phỏng vấn là một công ty lớn trong lĩnh vực phần mềm, sau khi tôi đã vượt qua tất cả những câu hỏi về chuyên môn, nhà tuyển dụng hỏi: “Em có hay đi karaoke với bạn bè không? Em có biết uống bia không? Nếu cần phải đi ăn uống với khách hàng để bàn về chuyện hợp đồng, em có thể… cụng ly với họ?”… Lúc ấy tôi trả lời thành thật là tôi bị dị ứng với bia rượu, ngay lập tức tôi bị cho out. Mặc dù hồ sơ, năng lực của tôi được đánh giá khá cao. Sau này tôi cũng hiểu được vì sao họ lại có yêu cầu lạ đời như vậy. Điều này cũng dễ dàng lý giải, ở những vị trí như bán hàng, kinh doanh, tiếp thị thường xuyên phải đi gặp khách hàng để thương thuyết hợp đồng, và cái gọi là “biết uống rượu, bia” chính là một công cụ hữu hiệu để bạn có thể tiếp cận khách hàng dễ hơn, thân tình hơn, giúp công việc thêm thuận lợi.
Sau lần ấy, tôi không apply hồ sơ vào những vị trí nhân viên kinh doanh hay PR nữa. May mắn là có người quen xin cho tôi vào làm ở phòng Kinh tế của một công ty xây dựng với mức lương khá cao. Thế nhưng tôi phải chấp nhận đi theo công trình xây dựng, làm cách Hà Nội 600km. Đây là một tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Công trình thủy điện mà Công ty tôi xây dựng nằm trên một con suối, là bản của người dân tộc Thái và Mông. Tính ra tôi đã làm việc được ở đây gần 2 năm, lương bổng cũng khá, nỗi nhớ nhà thời gian đầu cũng nguôi ngoai dần. Vào những dịp lễ, tết hay những sự kiện liên hoan công ty, mọi người uống bia rượu nhậu nhẹt thì tôi uống Coca. Tôi đã quen với những lời khích bác chỉ trích kiểu “nam vô tửu như kỳ vô phong”, rồi “đàn ông mà uống coca, kém thế à”… Và cũng vì không biết uống rượu mà tôi không bao giờ được công ty cử đi giao lưu với các đoàn của tỉnh, huyện, xã, các trường học… trên địa bàn chúng tôi làm việc, mặc dù tôi có năng khiếu về văn nghệ và thể thao.
Dần dần tôi cũng quen với điều đó và không cảm thấy buồn dù cũng vì thế mà tôi bị bỏ lỡ rất nhiều cơ hội thăng tiến. Nhưng cho đến hôm qua, công ty tổ chức sự kiện hoàn thành công trình xây dựng mà chúng tôi thi công, tất cả thành viên công ty phải tham gia. Có rất nhiều đoàn phòng ban của tỉnh, huyện… đến chúc mừng. Trong bữa tiệc, mọi người thay nhau đến từng bàn chúc mừng, cụng ly chan chát, những tiếng hô “1…2…3 zô” vang lên ầm ĩ. Tôi chỉ ngồi ăn chứ không cầm ly đi chúc mừng. Thế nhưng tiếp sau đó đại diện của tỉnh đến bàn tôi chúc rượu. Trông vị quan tỉnh ấy đã ngà ngà say, mặt đỏ lựng. Ông cầm chai rượu tự tay rót cho mỗi người một chén đầy và ông ta “gương mẫu” uống cạn, rồi lần lượt các bạn tôi cùng mâm đều nâng cốc, người uống hết, người còn chút ít. Chỉ có tôi là nâng lên nhắp môi rồi đặt xuống. Vị đại diện tỉnh kia mặt đỏ văng, quắc mắt, tay chỉ vào tôi quát “anh là người mất lịch sự, anh thử nhìn sáu chén rượu xem có coi được không”.
Thoạt đầu, tôi tưởng ông ta đùa, khi biết ông nói thật, tôi mới nhẹ nhàng trả lời “Tôi thành thật xin lỗi nhưng tửu lượng tôi yếu, không thể cố được, thôi thì thế này, để không phụ lòng ông, tôi nhờ các bạn tôi giúp cho hết chén rượu này”, nhưng ông ta nhất định không nghe. Ông ta nhất định bắt tôi phải “hoàn thành nhiệm vụ”, phải “lịch sự”, thậm chí ông ta còn quy kết tôi “coi khinh” người miền núi khi không uống cạn chén rượu được mời. Ông nói to lắm như là cãi nhau, cả đám nhìn vào mâm tôi làm tôi thật xấu hổ. Cuối cùng ông ta bắt tay tất cả mọi người, riêng tôi không được bắt tay. Chỉ đến khi tôi ngửa cổ uống hết chén rượu mới được ông bắt tay. Ngay sau đó, tôi phải vào nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo.
Thế nhưng mọi chuyện không dừng ở đó. Hôm sau tôi bị sếp gọi lên khiển trách vì đã làm cho bữa tiệc mất vui. Khi tôi kể rõ sự tình thì sếp nói nếu đúng thế tôi không phù hợp với môi trường của dân xây dựng, nếu tôi không muốn nghỉ việc thì công ty sẽ chuyển tôi sang làm công việc văn phòng với mức lương thấp hơn hẳn. Điều này làm tôi rất ức chế. Chẳng phải Nhà nước lúc nào cũng tuyên truyền không nên uống bia rượu hay sao? Gần đây chính phủ còn đưa ra dự luật thuế rượu bia thuốc lá để hạn chế những thứ độc hại này. Thế mà tại sao một thằng đàn ông không uống được bia rượu bỗng trở thành một kẻ mất lịch sự, không ra gì, thậm chí bị từ chối, thậm chí bị dọa sa thải.. .Có ai giải thích giúp tôi được không?
Có thể tôi sẽ bị buộc thôi việc tại đây, có thể tôi sẽ phải chuyển sang môi trường khác, nhưng bất kể thế nào, nếu nó thực sự sẽ xảy ra, tôi cũng sẽ
nghỉ việc một cách chuyên nghiệp không gây ảnh hưởng cho bất ký ai khác.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét