Đố kỵ về tài năng, đố kỵ về sự thăng tiến, thậm chí đố kỵ cả về nhan sắc là những điều dân công sở thường hay gặp phải. Và nếu bạn là “nạn nhân”, chuyên là đối tượng để đồng nghiệp “soi mói” thì quả thực cũng đau đầu đấy! Trong trường hợp này bạn cần trang bị một số kĩ năng cơ bản để đối phó với những người “ghen ăn tức ở” với mình, tạo ra một tâm lý thỏa mái nhất để làm việc hiệu quả. Khi giao tiếp cùng họ bạn cũng cần những
kỹ năng để có thể trò chuyện với người mình không thích, khiến cho không ảnh hưởng tới công việc chung.
1. Không phản ứng
Bạn thường bị những đồng nghiệp đố kỵ “buôn chuyện” nói xấu sau lưng? Chuyện đó là điều bình thường vì thế nếu không có gì quá quá đáng thì hãy giữ thái độ bình tĩnh và nhớ rằng, những người ghen tị "buôn chuyện" về bạn chẳng qua chỉ vì họ muốn có được những thành tích như bạn mà chưa làm được.
2. Hãy tìm kiếm đồng minh
Một đồng nghiệp ghen tị và xấu tính có thể tìm cách bôi xấu bạn bằng cách nói với cấp trên không chuẩn xác về công việc mà bạn làm. Vì thế, hãy thường xuyên báo cáo với sếp về tiến trình công việc, khi đó mối quan hệ giữa sếp với bạn không thể bị ảnh hưởng bởi những hành vi bôi xấu như vậy. Bên cạnh đó, bạn cần phải gây dựng tốt mối quan hệ với đồng nghiệp. Họ sẽ có cách nhìn khách quan về bạn, nói tốt cho bạn, khiến cho những đồng nghiệp hay đố kỵ không còn cơ hội chống lại bạn.
3. Bình thường hóa mọi chuyện
Cho dù bạn biết rõ người khác đang đố kỵ với mình, hãy coi đó là chuyện hết sức bình thường, đừng quan trọng hóa mọi vấn đề. Bạn cũng đừng để lộ ra rằng bản thân mình đang căng thẳng, phiền toái, khó chịu vì đối phương đang chờ đợi những điều đó ở bạn. Nếu họ thấy họ đạt được mục đích, họ sẽ làm điều đó nhiều hơn nữa. Tuy nhiên khi bạn phớt lờ mọi chuyện, họ cảm thấy mọi cố gắng đều vô nghĩa, cùng với thời gian họ sẽ chán những trò đó.
4. Lễ phép và khiêm tốn
Lễ phép và khiêm tốn là 2 đức tính không bao giờ thừa, nó sẽ khiến mọi người gần gũi với bạn hơn. Đặc biệt khi bạn được thăng chức hay tăng lương, dù là người hiền lành nhất họ cũng rất dễ có cái nhìn nghi kỵ về bạn. Đấy là thời điểm nhạy cảm nhất và hơn lúc nào hết bạn càng nên thận trọng trong cách cư xử.
5. Đặt mình vào vị trí của người đố kỵ
Chuyện gì cũng có nguyên do của nó và không phải tự dưng mà người ta đố kỵ với bạn. Hãy có cái nhìn khách quan để đánh giá vấn đề. Chẳng hạn, có thể đó là do người đồng nghiệp kia không được công nhận những kết quả công việc mà họ đạt được. Trong trường hợp đó, nếu bạn nỗ lực khen ngợi họ, thì căng thẳng có thể được giải tỏa.
Thậm chí, bạn cũng có thể đưa ra lời khuyên giúp họ cải thiện hiệu quả làm việc và được công nhận thành tích. Tuy nhiên, bạn cũng cần thận trọng để tránh việc người đồng nghiệp đó cảm thấy như đang bị bạn "dạy dỗ".
6. Nhìn lại mình
Cũng như vừa nói ở trên, chuyện gì cũng có nguyên do của nó. Bạn bị đồng nghiệp đố kỵ không chừng lại do chính lỗi của bạn. Hãy nhìn lại mình xem bạn có phô trương quá đà những thành tích của mình với đồng nghiệp hay có nói quá về việc sếp yêu mến bạn ra sao. Đây thực sự là những việc làm không phù hợp trong môi trường công sở và chỉ khiến bạn bị ghen tị, thậm chí là bị xa lánh.
7. Cứng rắn khi cần thiết
Bạn rất cần cởi mở nhiệt tình giúp đỡ mọi người, sống khiêm tốn lễ phép, tuy nhiên tất cả chỉ nên ở một giới hạn nhất định. Với những người liên tục tìm cách gây phiền toái cho bạn nhiều lúc bạn cũng nên cho họ thấy sự cứng rắn của mình. Đừng để họ nghĩ rằng bạn sợ hãi và luôn phải lẩn tránh họ. Khi bạn bắt gặp ai đó tìm cách công kích bạn công khai. Hãy cho họ thấy sự cứng rắn thẳng thắn và sẵn sàng đương đầu của bạn. Tuy nhiên hãy lưu ý tránh sự xúc phạm cá nhân trong quá trình xử lý.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét