LMT Group - Chia sẻ để thành công !: Khởi nghiệp

6 yếu tố quan trọng hàng đầu khi khởi nghiệp

10:24 |
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, cứ có 10 người khởi nghiệp thì có tới 7-8 người thất bại. Chính vì thế, khi quyết định bắt tay vào bước đi lớn của đời mình, bạn cần phải rất thận trọng và không được bỏ qua những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhất. Hãy đặt cho mình những những câu hỏi liên quan đến nguồn lực, thời gian,… vì đó là những yếu tố quyết định trong mỗi doanh nghiệp. Hãy tìm hiểu những sai lầm sẽ dẫn tới sự thất bại mà mình có thể gặp phải và lên phương án giải quyết.


Dưới đây là 6 yếu tố mà bạn không thể không lưu tâm dành cho người bắt đầu khởi nghiệp.

1.  Khách hàng


Khách hàng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của bạn bởi vì vốn dĩ kinh doanh là sự tương tác giữa người mua hàng và người bán hàng. Một doanh nghiệp không có khách hàng, đối tác làm ăn thì xem như việc kinh doanh của doanh nghiệp đó không hiệu quả. Chính vì thế, yếu tố khách hàng là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Bạn cần xác định đối tượng khách hàng chính của mình cũng như nhu cầu mà thị trường cần đáp ứng ngay khi mới bắt đầu lên ý tưởng kinh doanh. Bên cạnh đó, sản phẩm của bạn cung cấp đã đủ hấp dẫn và thuyết phục khách hàng hay chưa? Liệu họ có quay lại với bạn lần nữa hay không? Bạn cần tìm kiếm một lượng khách hàng tiềm năng, xây dựng một lượng khách hàng quen thuộc và đảm bảo rằng mối quan hệ của bạn với những đối tác làm ăn này luôn tốt. Có như vậy doanh nghiệp của bạn mới hoạt động dễ dàng và thuận lợi.

2.  Sản phẩm


Sản phẩm bạn tạo ra cần đáp ứng trực tiếp nhu cầu của khách hàng. Khi bạn bắt đầu thiết kế sản phẩm của mình, hãy tránh xa những điều khiến người mua ngần ngại, như chi phí quá cao, khó sử dụng hay không tương thích với các đồ dùng khác họ đang có,… 

Bên cạnh đó, bạn không nên bổ sung thêm các tính năng hay thông điệp vào sản phẩm nếu như không thực sự cần thiết. Điều đó chỉ làm khách hàng thêm rối trí mà bạn lại mất chi phí cho việc lên những ý tưởng đó thôi.

3.  Thời điểm



Mỗi một thị trường chỉ có một vòng đời nhất định và nó không kéo dài. Bạn hãy biết bắm bắt thời cơ và thời điểm vì nó sẽ không dễ dàng đến với bạn lần 2. 

Ở giai đoạn đầu của một thị trường mới, bạn sẽ rất dễ dàng gia nhập. Nhưng nhập cuộc quá sớm cũng là một rủi ro. Nếu tiềm năng của thị trường chưa được xác định, bạn sẽ thất bại, hoặc khó có lợi nhuận sau nhiều năm hoạt động. Các doanh nghiệp mới khởi sự nên đi theo chiến lược “người theo gót nhanh chóng”. Đó là khi bạn tìm ra một ý tưởng tốt đã được thực thi và nhanh chóng thực hiện theo. Khi ấy, bạn đã gia nhập cuộc chơi đủ sớm khi nhu cầu của khách hàng vẫn chưa được đáp ứng.

4.  Cạnh tranh


Cạnh tranh vốn là điều vốn dĩ trong kinh doanh. Đối với doanh nghiệp mới, khi sự cạnh tranh trở nên khốc liệt và thị trường đã bão hòa là khi tình hình trở nên bất lợi. Đây là tình trạng phổ biến ở nửa sau vòng đời của thị trường. Đó cũng là lý do tại sao bạn nên tập trung vào các thị trường ở giai đoạn đầu. Khi đó, bạn sẽ có nhiều cơ hội để phát triển chiến lược khác biệt hóa cho doanh nghiệp của mình.


5.  Tài chính


Trên các phương tiện truyền thông, thậm chí lời tự sự của một số doanh nhân được xem là thành đạt đều có một điểm chung là chúng tôi lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, thời gian đầu rất khó khăn, vất vả… Tuy nhiên, bạn phải nhìn nhận một thực tế rằng, cái bạn cần đầu tiên khi khởi nghiệp làm bất kì thứ gì đó chính là tiền. Không có tiền, lấy gì để khởi nghiệp và nuôi chính bản thân bạn qua ngày? Không có tiền, liệu bạn có thể trụ nổi trong bao lâu? Và vì vậy, ngoài đam mê ra, bạn cần phải tìm ra được phương án cho câu trả lời: Nguồn tài chính ở đâu ra để nuôi và phát triển doanh nghiệp của mình?

6.  Nhân sự


Nhân sự là yếu tố không kém phần quan trọng so với 5 yếu tố trên vì họ là những nhân tố giúp bạn “cạnh tranh”, phát triển “sản phẩm”, duy trì “khách hàng” và thu về “tài chính”,… Khi nguồn lực bị hạn chế, bạn nên bỏ qua những “mặt trận” không tiềm năng và bảo  toàn nhân sự cho các cơ hội tiếp theo, hãy tìm cách để giữ chân những nhân viên giỏi có tiềm năng lại với doanh nghiệp mình. Hãy xây dựng một đội ngũ cốt lõi hiểu rõ về khách hàng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần một chuyên gia giỏi có thể thiết kế sản phẩm đáp ứng được chính xác nhu cầu của người dùng. Hãy cân nhắc liệu bạn đã thiết lập các mối quan hệ tốt với nhà cung cấp và phân phối để duy trì tính cạnh tranh hay chưa.
....

Từ thất bại của cha, kĩ sư tin học trở thành… kĩ sư nuôi ba ba

11:06 |
Tốt nghiệp trường Đại học công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, là một kĩ sư tin học, năm 25 tuổi tôi quyết định nghỉ việc về quê… làm trang trại. Với quyết định này tôi đã nhận được sự phản đối của không ít người, kể cả gia đình và bạn bè đặc biệt là ba tôi  - người đã từng “khuynh gia bại sản” từ chính công việc này.

Gia đình tôi là một gia đình thuần nông nhưng ba tôi lại là người có tham vọng và khát khao làm giàu. Ba ba, dê, trăn, vịt, cá,… tất cả những con vật ấy cứ thế thay phiên nhau xuất hiện trong trang  trại nhà tôi nhưng rồi cũng lần lượt ra đi. Những mô hình chăn nuôi do chính ba tôi tự nghiên cứu và xây dựng cứ được một thời gian rồi lại sụp đổ và đỉnh điểm là năm 2005, khi ba tôi quyết định mạnh tay đầu tư vào mô hình nuôi ba ba. Ba tôi dồn hết vốn liếng, tài sản gia đình để đầu tư mua giống, xây tường quanh ao, sắm thuyền,... Nuôi năm đầu gỡ được hòa vốn, dư ra một chút. Năm sau ba tôi tiếp tục mở rộng quy mô, mua thêm nhiều giống, nới rộng diện tích ao để nuôi. Nhưng năm ấy việc chăn nuôi không thuận lợi như năm trước. Ba ba bắt đầu mắc bệnh và chết dần, ba tôi lại phải mua thuốc và nhờ những người có kinh nghiệm về chữa bệnh cho ao ba ba. Sau một thời gian mất công và tốn không ít của những tưởng rằng ao ba ba đã được cứu nhưng niềm vui chưa kịp kéo dài thì mưa bão ập đến. Những trận mưa kéo dài hết ngày này qua ngày khác, mưa thối đất thối cát, dai dẳng triền miên,… ao tràn không thoát được nước và thế là ba ba đục bờ bò đi hết… Một lần nữa gia đình tôi trắng tay. Nhưng lần trắng tay này thảm hại hơn tất cả những lần trắng tay khác, nợ nần chống chất nợ nần. Ba ba đã làm gia đình tôi khuynh gia bại sản. Lần ấy ba tôi phải nhờ hàng xóm đến dỡ nhà, lấy tài sản để giả nợ.

Quá chua xót, đớn đau, sau lần ấy ba tôi không còn niềm tin và nghị lực để tiếp tục làm trang trại nữa. Ba tôi chọn cho mình một con đường an toàn hơn đó là làm nhân viên bảo vệ cho một công ty dịch vụ bảo vệ khách sạn và luôn động viên tôi học hành, phải thi đỗ bằng được Đại học để không phải chân lấm tay bùn rồi đi vào vết xe đổ của ba. Nghe lời ba, tôi quyết tâm học hành để rồi cuối cùng tôi cũng tốt nghiệp loại ưu tại một trường Đại học danh tiếng ở Hà Nội.

Từ kĩ sư tin học, tôi trở thành kĩ sư nuôi ba ba 

Sau gần 2 năm ra trường, tôi không gặp quá nhiều khó khăn trong việc tìm việc làm nhưng nỗi đau năm nào mà gia đình tôi gặp phải vẫn đau đáu trong lòng tôi. Cho đến một ngày, tình cờ tôi về chơi tại gia đình một người bạn và tôi vô cùng bất ngờ. Cùng là nuôi ba ba nhưng gia đình bạn tôi lại thành công rực rỡ, trở thành một trong những gia đình giàu có bậc nhất vùng. Niềm khao khát tìm ra lỗi sai và gây dựng sự nghiệp gia đình chính từ thất bại của ba bất chợt vụt cháy trong suy nghĩ của tôi.

Dứt áo rời thủ đô, bỏ lại sự nghiệp đang trên đà rộng mở, tôi quyết tâm về quê trong sự phản đối kịch liệt của gia đình và bạn bè. 

Trước khi dốc tiền đầu tư nuôi ba ba, tôi nghiên cứu kĩ lưỡng, mổ xẻ chi tiết từng bài học dẫn đến thất bại trong nghề này khiến gia đình tôi từng rơi vào cảnh rau cháo nuôi nhau. Và tôi phát hiện ra rằng, những cơn mưa dai dẳng năm nào không phải là nguyên nhân chính khiến gia đình tôi sạt nghiệp mà là một nguyên nhân khác. Ba tôi đã quá thiếu tài liệu hướng dẫn kĩ thuật, nuôi chủ yếu bằng kinh nghiệm cá nhân. Con giống thu gom trôi nổi nên ba ba có chất lượng không đồng đều, khó bán. Hơn nữa, ba tôi khi ấy chưa biết tiếp thị sản phẩm khiến đồng vốn đầu tư bị ứ đọng, khó xoay vòng tái đầu tư.

Vừa miệt mài học tập, tham quan mô hình nuôi ba ba tích lúy kiến thức, tôi vừa tìm cách thuyết phục gia đình ủng hộ dự án khởi nghiệp từ nghề nuôi ba ba và dốc sức lao động, đầu tư xây khu ao ba ba rộng gần 3.000m2.

Khởi nghiệp với 40 cặp ba ba, đến nay trang trại nuôi ba ba của tôi đã tăng lên hơn 100 cặp sinh sản, mỗi năm cung cấp cho thị trường khu vực miền Bắc khoảng 5.000 con giống. Ngoài ra, trong trang trại của tôi lúc nào cũng nuôi hàng trăm con ba ba thương phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ của nhiều nhà hàng, khách sạn.

Sau gần 5 năm khởi nghiệp, tôi đã gây dựng cho riêng mình một trang trại nuôi ba ba bề thế và những gì tôi đạt được đã thuyết phục gia đình tôi hoàn toàn. Giờ đây, ba tôi đã không còn làm bảo vệ nữa mà về hỗ trợ và phụ giúp tôi nuôi ba ba. Hiện tôi đang tích lũy đầu tư, nâng quy mô trang trại, mở rộng đàn ba ba đáp ứng nhu cầu con giống và thị trường.

Quả thực, thành công từ nghề nuôi ba ba hôm nay của tôi được khơi nguồn từ thất bại của ba. Không những thế, với những gì đã trải qua tôi nhận ra rằng, học tập, rèn luyện không bao giờ là thừa. Những kiến thức mà ta tiếp thu ở trường, bằng cách này hay cách kia, trực tiếp hay gián tiếp đều sẽ hỗ trợ cho ta ở mọi lúc, mọi nơi mà đôi khi chúng ta không hề hay biết. Chính những kiến thức đó sẽ giúp ta thành công, dù ở lĩnh vực nào, dù có trái ngành nghề chúng ta học thì sự thành công ấy đều xứng đáng để tự hào.
....

Khởi nghiệp bằng cửa hàng đồ ăn vặt

09:45 |
Chỉ có số vốn 50 – 100 triệu bạn sẽ làm gì để khởi nghiệp? Những món ăn vặt luôn là thứ hút hồn các bạn học sinh, sinh viên nên nhiều người nghĩ rằng mở một của hàng đồ ăn vặt cho giới trẻ là việc làm đơn giản. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể thành công khi khởi nghiệp bằng một cửa hàng đồ ăn vặt. Theo kinh nghiệm của một số người đi trước, để thu hút được một lượng khách hàng đông đảo, bạn phải có sự chuẩn bị hết sức cẩn trọng.



1.  Xác định được khách hàng mục tiêu


Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất đối với bất kỳ ngành nghề dịch vụ nào bởi khách hàng chính là điều người làm dịch vụ phải hướng tới. Thề nên bạn buộc phải  xác định được đúng đối tượng khách hàng mục tiêu muốn nhắm tới nếu không muốn thất bại thảm hại ngay trong lần kinh doanh đầu tiên.

Một cửa hàng đồ ăn vặt thông thường nhắm đến các đối tượng khách hàng mục tiêu:
- Các bạn trẻ ở độ tuổi từ 10-25 tuổi.
- Các bạn học sinh, sinh viên học tập tại các trường phổ thông, đại học trên địa bàn.
-  Các bạn nữ thường thích đồ ăn vặt hơn các bạn nam.
- Tập thể lớp, nhóm, đôi… liên hoan, hẹn hò.  
Tất nhiên, trong rất nhiều trường hợp, những đối tượng khách hàng này chính là một. 

Việc xác định đối tượng khách hàng mục tiêu trước hết nhằm mục đích tìm hiểu thói quen ăn uống của khách để có cách thức chế biến món ăn, thiết kế quán… phù hợp với tâm lý cũng như lứa tuổi của các bạn. Cụ thể, nhóm tuổi 10-15 thường thích ăn những món đồ ăn mềm, không cay và thích được tặng kèm hoặc chơi đồ chơi tại quán. Còn đối với những khách hàng tuổi 15-25, thức ăn có thể đậm đà hơn hoặc có thêm vị cay.  Những người đi theo nhóm hoặc đôi yêu nhau thì cần có không gian để giao lưu, tâm sự. Vì vậy cần có sự lựa chọn ưu tiên thiết kế quán phù hợp…

2. Xác định địa điểm lý tưởng


Sau khi xác định được khách hàng mục tiêu, việc tìm kiếm địa điểm mở quán cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để tạo nên sự thành công cho quán.

Đối khách hàng mục tiêu của cửa hàng đồ ăn vặt là các bạn học sinh, sinh viên từ 10-25 tuổi, nên địa điểm lý tưởng nhất là gần các trường học, đặc biệt là các trường trung học cơ sở, trường đại học. Đây là những nơi dễ có khách hàng nhất. Ngoài ra địa điểm còn phải thuận tiện cho xe bus vì xe bus cũng là lựa chọn của nhiều bạn học sinh, sinh viên đồng thời cần chú ý đến chỗ để xe của khách. Một cửa hàng đồ ăn vặt không cần ở vị trí quá trung tâm hay ở mặt đường lớn, nhưng vẫn phải là một địa điểm dễ tìm kiếm.

Khi thuê mặt bằng bạn cũng cần chú ý thêm về yếu tố thời gian. Nếu chọn được vị trí đắc địa, nên thuê với thời gian dài để có điều kiện thu hút khách và kiếm đủ tiền hoàn vốn đầu tư. Một hợp đồng thuê nhà dài hạn thì giá cả cũng sẽ ổn định hơn.

3.  Tuyển nhân sự phù hợp




Điều làm nên sự thành công của một dịch vụ đôi khi không phải chất lượng sản phẩm mà chính là sự hài lòng của khách hàng đối với thái độ phục vụ. Do vậy, bạn cần tuyển dụng và đào tạo được những nhân viên phục vụ có cách ứng xử niềm nở, linh hoạt trước khách hàng, hiểu sở thích và đưa ra những lời khuyên bổ ích để khách hàng dễ dàng lựa chọn thực đơn. 

Anh Đức Hòa, hiện là Giám đốc một Công ty bảo vệ tại Hà Nội, từng khởi nghiệp với một cửa hàng đồ ăn vặt chia sẻ: “Khởi nghiệp với một cửa hàng đồ ăn vặt không có nghĩa là bạn phải giỏi nấu ăn hay phục vụ khách hàng tốt mà quan trọng là bạn làm sao có được một đội ngũ nhân viên làm việc giỏi. Một nhân viên phục vụ mặt mũi lúc nào cũng “khó đăm đăm”, tỏ thái độ khó chịu khi khách chê bai, trả lời khách mà mắt vẫn nhìn điện thoại… sẽ làm khách hàng ngao ngán và hiếm khi  nghĩ tới việc quay lại. Còn về đầu bếp, ngoài yếu tố nấu ăn ngon, bạn cần chọn những người có đam mê về chế biến đồ ăn vặt, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm mới nhưng lại phù hợp với thị hiếu khách hàng”. 

Ngoài ra, bạn cũng phải tạo được sự liên kết, làm việc ăn ý giữa nhân viên phục vụ và đầu bếp để họ hiểu ý nhau. Chính sự gắn kết này sẽ tạo ra một môi trường làm việc thoải mái mà hiệu quả.

4. Trang trí cửa hàng


Muốn làm nổi bật phong cách cũng như thiết kế của cửa hàng đồ ăn vặt, bạn nên tạo một không gian thoáng, ngộ nghĩnh phù hợp với tâm lý của khách hàng mục tiêu. Tùy vào mức tiền có thể đầu tư mà bạn trang trí quán cho phù hợp. Tuy nhiên, thường đối với khách hàng tuổi 10-25, bạn nên chọn nội thất trẻ trung, cá tính. Ngoài ra, có thể dùng các bức tranh vẽ, giấy dán tường, vẽ tranh tường để trang trí.

Tông màu trắng mang lại sự trẻ trung, tươi mới.


Đồ đạc của quán như bàn ghế, bát đĩa, ly cốc, menu… cũng nên theo một “tông” nhất định và mang phong cách hiện đại, trẻ trung. 

5. Tìm mối nhập nguyên liệu


Chất lượng món ăn luôn là điều quan trọng nhất giữ chân khách, do đó cần có nguồn nguyên liệu ổn định và đảm bảo chất lượng nhưng giá cả vẫn phải chăng. 

Bạn nên hỏi những người có kinh nghiệm những mối nhập nguyên liệu rẻ, tươi ngon, nhưng không nên dùng những thực phẩm không rõ nguồn gốc. Bạn cũng không nên trữ hàng nhiều mà nên lấy mới 2 ngày một lần để hàng được tươi ngon và đảm bảo dinh dưỡng.

Ngoài ra, trước khi tạo ra những món mới, nên cho khách hàng dùng thử để khảo sát mức độ hài lòng của khách.
....

5 Nguyên tắc dành cho người quản lý thành công

14:00 |
Bạn là một nhà quản lý, bạn trả lương nhân viên không thấp nhưng nhân viên giỏi lại vẫn rời bỏ bạn? Những nhân viên đang làm việc thường làm việc với thái độ đối phó qua quýt và chỉ mong đến giờ tan làm?  Trên thực tế bạn sẽ khó lòng thúc đẩy được đội ngũ nhân viên (nhất là những nhân viên giỏi thường có cá tính mạnh mẽ) làm việc bằng những nguyên tắc, quy định khô khan cứng nhắc.  Sự “ép buộc” bao giờ cũng dẫn tới kiểu làm việc cho xong, không thực sự đặt tâm huyết vào công việc. Nếu bạn không muốn mang tiếng là một người lãnh đạo tồi thì 5 nguyên tắc dưới đây có thể giúp ích cho bạn trong việc thúc đẩy nhân viên của bạn cống hiến hết mình cho công việc.


1. Không chỉ đơn thuần là công việc


 Nhân viên là những người làm công ăn lương, họ bán sức lao động của mình. Thế nhưng nếu bạn khiến họ nghĩ rằng công việc chỉ đơn thuần là công việc, đến chỗ làm mà chỉ mong đến giờ về, thì tất yếu dẫn đến việc họ làm cho qua chuyện, làm một cách cầm chừng, đối phó.

Một người quản lý giỏi là phải làm cách nào khiến nhân viên của mình tìm thấy niềm vui, sự hào hứng phấn khởi đối với công việc. Khi ấy họ mới sẵn sàng lăn xả, cống hiến hết mình và bạn thì có thể sử dụng được những năng lực nổi trội nhất của họ. Hãy làm cho họ nghĩ rằng những gì họ làm ra có một ý nghĩa lớn, không chỉ với khách hàng, với cả công ty mà còn với chính bản thân và gia đình của họ.

Ví dụ bạn là một quản lý những nhân viên đang thực hiện nhiệm vụ cho dịch vụ bảo vệ ngân hàng, bạn phải làm cho những nhân viên này ý thức được rằng công việc của họ là vô cùng cần thiết, quan trọng vì khách hàng đã tin tưởng giao hết tất cả tài sản, tính mạng cho nhân viên bảo vệ. Công ty cũng vì họ làm tốt công việc mà tạo được uy tín, thương hiệu. Đồng thời, kết quả công việc của họ được đánh giá bằng sự yêu mến của khách  hàng, bằng thu nhập tốt cho bản thân, từ đó hạnh phúc gia đình cũng được đảm bảo.

2. Chấp nhận những sai lầm


Ông cha ta có câu: Có làm chắc chắn có sai lầm, muốn không mắc sai lầm chỉ còn cách là không làm gì. Câu nói này đúng với tất cả mọi người, kể cả với những nhân viên xuất sắc nhất. Là một người quản lý, bạn phải chấp nhận điều đó.

Với bất kỳ một việc gì, nếu bạn chỉ nói lý thuyết,  những lời cảnh giác, và nghĩ họ có thể làm tốt thì bạn đã nhầm. Lý thuyết và thực hành bao giờ cũng khác nhau. Vậy nên hãy để họ bắt tay vào làm, dám thể hiện bản thân, nếu thành công thì đó là điều tốt. Còn nếu chẳng may họ thất bại, họ cũng đã có được một bài học nhớ đời, lần sau họ sẽ không bao giờ mắc phải lỗi lầm đó nữa.

Cũng giống như một đứa trẻ lẫm chẫm tập những bước đi đầu tiên, nếu cha mẹ sợ nó ngã đau, luôn dắt từng bước một nó đi thì nó sẽ không bao giờ dám tự đi. Hãy để nó ngã, rồi lại đứng lên, rồi lại ngã… nó sẽ biết bước những bước vững vàng. Nhân viên của bạn không phải là những đứa trẻ con nhưng nhất thiết phải để cho họ ngã nếu như họ muốn tiến bộ. Dĩ nhiên bạn phải tùy vào lỗi lầm của họ mà nghĩ ra những hình phạt hợp lý để lần sau họ không tái phạm nữa.

3. Sức mạnh của lời khen ngợi


Bạn sẽ nghĩ sao nếu là một người quản lý mà hàng ngày đến công ty bạn bắt gặp những bộ mặt khép nép, sợ sệt? Nhân viên của bạn không tự tin, thoải mái khi đối diện với bạn thì làm sao có thể tự tin khi gặp khách hàng, làm sao có một tâm trạng vui vẻ để làm việc hiệu quả. Một trong những yếu tố quan trọng giúp nhân viên tự tin chính là những lời khen ngợi của người quản lý.

Bất kỳ ai cũng muốn được khen ngợi, nhân viên giỏi thường coi lời khen của bạn là sự “thừa nhận”  đối với năng lực làm việc của họ. Vì vậy đừng tiết kiệm những lời khen ngợi như “Chị đã làm rất tốt”, hoặc kể cả những lời khen không liên quan tới công việc như con trai chị thật giỏi, chiếc túi xách đẹp quá…

Đừng chờ đợi họ hoàn thành công việc một cách tốt đẹp rồi mới nói với họ rằng họ làm việc tốt. Bạn hãy động viên họ trước khi họ bắt tay vào làm việc như “Tôi tin cuộc gặp hôm nay anh sẽ chốt được hợp đồng” , đây là kiểu động viên rất tích cực. Bạn đừng sợ rằng nói như vậy là đặt một áp lực lớn đối với họ mà hãy tin rằng làm vậy thì cơ hội nhân viên của bạn hoàn thành công việc một cách tốt đẹp sẽ cao hơn.

4. Nghĩ cho lợi ích chung


Người quản lý khi làm việc mà chỉ nghĩ tới lợi ích cá nhân của mình thì không bao giờ thúc đẩy được nhân viên làm việc hiệu quả. Chỉ khi gạt bỏ cái “tôi” sang một bên, tạo được tấm gương cho nhân viên thì nhân viên mới nghĩ đến lợi ích chung và làm việc hết mình.

Trong trường hợp nhân viên của bạn mắc sai lầm gì đó nghiêm trọng, bạn là người quản lý, bạn cũng phải có trách nhiệm chứ không thể phủi tay đổ hết lên đầu nhân viên. Dám chịu trách nhiệm – đó chính là điều khiến nhân viên khâm phục nhất ở một người quản lý, cũng là động lực thúc đẩy nhân viên làm việc tốt nhất.

5. Quan tâm tới những thành công nhỏ


Nhân viên của bạn phạm sai lầm nhưng họ không trốn tránh, vẫn đến công ty làm việc một cách hứng khởi, vui vẻ, tập trung… thì bạn đúng là một người quản lý thực sự. Bởi họ biết họ được tôn trọng, được đối xử công bằng, phạm lỗi thì bị phạt, làm tốt sẽ được khen thưởng chứ không bị người quản lý có thái độ hằn thù cá nhân, giận cá chém. thớt.

Muốn tạo động lực cho nhân viên của mình làm việc hết mình, bạn hãy tìm ra những  lý do để nói những câu khen ngợi, hoặc những phần thưởng nho nhỏ (như cây bút, quyển sổ, hộp bánh…) cho nhân viên, dù nhưng kết quả họ đạt được vẫn còn khiêm tốn nhưng bạn nhận thấy sự cố gắng của họ.

Bạn đừng chỉ chúc mừng những thành công lớn mà cũng phải chúc mừng cả những thành công nhỏ nữa. Tất nhiên, thành công nhỏ thì chúc mừng nhỏ, nhưng dù nhỏ thì cũng phải làm cho đúng nghĩa của chúc mừng.
....

Khởi nghiệp: Những sai lầm có thể khiến bạn hối tiếc

09:00 |

Khi bạn quyết định ra làm ăn riêng, nghĩa là bạn phải tự mình chịu trách nhiệm và phải lường trước tất cả những rủi ro. Có quá nhiều câu hỏi nên-không nên, làm thế nào, ở đâu… mà bạn phải giải quyết và rất có thể bạn sẽ lâm vào tình cảnh sai một ly đi một dặm vì những quyết định bồng bột của mình.

 
1.                 Chọn sai lĩnh vực kinh doanh
Khi lập doanh nghiệp riêng, có nghĩa là bạn dồn hết thời gian lẫn công sức cho công việc này. Do vậy, việc bắt đầu khởi nghiệp chính là thời điểm phản ánh rõ nét nhất sở thích cũng như kỹ năng trong lĩnh vực bạn theo đuổi. Nếu dành thời gian cho công việc mà bạn cảm thấy không hứng thú, rủi ro về sự thất bại là rất lớn

Hãy chọn lĩnh vực mà bạn quan tâm và yêu thích. Đừng bắt đầu kinh doanh chỉ bởi bạn cảm thấy nó có vẻ hấp dẫn hay có thể đem lại lợi nhuận lớn. Công việc kinh doanh được gây dựng nên từ chính những điểm mạnh và tài năng của bạn sẽ có khả năng thành công cao hơn. Kinh doanh tạo ra lợi nhuận cũng quan trọng đấy, nhưng cảm giác vui vẻ, hạnh phúc, thỏa mãn khi những gì mình tâm huyết đang phát triển mạnh mẽ hơn mỗi ngày còn là điều quan trọng hơn. Nếu trái tim bạn không dành cho công việc ấy, chắc chắn bạn sẽ không thể đạt được thành công.

2.                 Không đúng giờ
Lần cuối bạn trễ giờ là khi nào? Cách đây một năm hay mới ngày hôm qua?
Không phải là điều quá ngạc nhiên khi các Start-up lại là những người thường xuyên đi trễ. Chẳng nhẽ các Start-up bận rộn hơn cả Mentor và họ bận rộn đến nỗi không thể có mặt đúng giờ?
Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng: “Đi trễ chỉ là một chuyện nhỏ, tôi vẫn là người tốt”, thế nhưng nếu cứ tiếp tục giữ nguyên cách hành xử như vậy, uy tín của bạn sẽ bị tổn thất, “một lần thất tín vạn lần bất tin”, ai sẽ dám làm ăn với những người kém uy tín đây? Ai sẽ muốn giúp đỡ những người đã tự hạ thấp giá trị của họ và không tôn trọng người khác?

3.                 Không quan tâm đến tiếp thị
Xây dựng thương hiệu có thể giúp hình ảnh công ty được biết đến nhiều hơn thay vì chờ đợi khách hàng gọi đến. Bắt đầu kinh doanh thông qua phương thức quảng cáo truyền miệng có thể mang lại lợi thế, tuy nhiên bạn không thể trông chờ vào mỗi cách này.
Bạn cũng không nhất thiết bỏ ra một số tiền lớn cho hoạt động quảng cáo mà có thể nghĩ ra một số hình thức để tăng việc lan truyền cho sản phẩm hay dịch vụ phù hợp với ngân sách và đồng thời đạt được mục tiêu mong muốn.

4.                 Quá lý thuyết
Không một cuốn sách kinh doanh, kế hoạch kinh doanh nào có thể dự đoán chắc chắn được tương lai, hoặc trang bị đầy đủ kiến thức cho bạn để có thể trở thành một doanh nhân thành công. Cũng không bao giờ có một kế hoạch hoàn hảo, không có con dường hoàn hảo, không có đường tắt. Tất nhiên, đừng bao giờ nhảy vào giữa một công việc kinh doanh mới mà không có bất kỳ ý niệm nào về nó hay một kế hoạch cụ thể với nó, nhưng cũng đừng mất đến hàng tháng, hàng năm chỉ để ôm cây đợi thỏ. Bạn sẽ dần trở thành doanh nhân thành công chính nhờ va chạm thực tế, quan trọng nhất là bạn phải học hỏi từ những sai lầm và không bao giờ mắc một sai lầm đến lần thứ hai.

5.                 Thụ động
Đừng ngồi chờ để có được vị khách hàng đầu tiên hay chỉ mong có thể chào bán lần đầu một sản phẩm. Bạn nên nghĩ đến việc làm thế nào để tạo doanh thu ngay nếu có thể. Hãy nhận các đơn đặt hàng trước, lên lịch gặp gỡ khách hàng hay tìm cách nào đó để có thể tạo ra thu nhập. Điều này giúp bạn giữ có một thái độ tích cực và tạo ra động lực để bạn có đà phát triển tốt hơn.

6.                 Chọn đối tác sai
Nếu quyết định hợp tác làm ăn với một đối tác, ắt hẳn bạn muốn chọn một người nào đó có thể bổ sung vào kỹ năng cũng như năng lực bạn còn khiếm khuyết. Nếu chọn đối tác thích hợp, đương nhiên công việc làm ăn của bạn có khả năng thành công cao hơn.

7.     Tuyển dụng nhầm người
Nhiều người mới kinh doanh thường muốn chọn người tài từ các công ty lớn, vì việc này sẽ khiến công ty có được một sự chú ý nhất định. Tuy nhiên, họ lại quên mất rằng lãnh đạo các công ty lớn thường không biết cách quản lý bằng ảnh hưởng cá nhân. Họ thường giám sát công việc qua nhiều cấp. Mà việc này không hề có lợi cho một công ty mới thành lập, cần đoàn kết và quyết định nhanh. Rất nhiều nhà khởi nghiệp thích đặt người thông minh vào vị trí lãnh đạo và mặc định rằng khả năng điều hành của họ cũng tương đương trí tuệ.

8.     Không tiếp thu phản hồi từ khách hàng
Thay vì hỏi bạn bè, quỹ đầu tư và các doanh nhân khác về công ty của mình, bạn hãy tìm đến khách hàng để có câu trả lời chân thật nhất. Hãy đối xử với khách hàng như bạn đời của bạn. Vì nếu không có họ, công ty của bạn sẽ chỉ như một dự án thí nghiệm ở trường trung học mà thôi.

9.                 Chi tiêu vượt ngân sách
Khi nghĩ đến việc khởi nghiệp, chắc hẳn là bạn có chuẩn bị từ trước một số vốn ban đầu, có thể là từ tiền tiết kiệm hay do các nhà đầu tư khác góp vốn. Nếu chi vượt mức doanh thu, doanh nghiệp của bạn có nguy cơ phá sản. Do vậy, dù quyết định đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào, bạn hãy nhớ lập kế hoạch chi tiêu khôn ngoan để phí phát sinh kỳ vọng thấp hơn doanh thu.

10.            Không biết lúc nào cần phải dừng lại
Ngược lại với những gì người ta thường nói, người thuyền trưởng sáng suốt không phải là người sẽ ở lại và chìm nghỉm cùng con tàu. Đừng làm những việc ngu ngốc chỉ để thỏa mãn cái tôi của mình, tỏ ra mình anh hùng mã thượng, vậy nên cũng phải biết lúc nào cần rút chân khỏi vùng bùn. Khi đưa cảm xúc của mình vào trong hoạt động kinh doanh, bạn có thể trở nên không còn sáng suốt và dễ đưa ra các quyết định sai lầm.
Nếu ý tưởng của bạn đang tỏ ra thất bại ngày một rõ ràng, chứng tỏ bạn đã làm gì đó sai. Hãy xem lại mình có thể làm gì khác. Rút ra bài học từ những thất bại của chính mình sẽ là hành trang tốt hơn cho bạn và cho những công việc kinh doanh sau này. Thất bại là không thể tránh khỏi, nhưng một doanh nhân đích thực là người sẽ trưởng thành từ những nghịch cảnh.

Nguồn: Sưu tầm

....

Nổi bật